Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) ngày 18/02/2022, Trưởng nhóm công tác lĩnh vực nông nghiệp, ông David John Whitehead, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mavin (Australia) đã đề xuất với Bộ NN và PTNT VN những triển vọng phát triển ngành trong thời gian tới.
Phát triển nông nghiệp tuần hoàn
Theo Chủ tịch Mavin, năm 2022, ngành nông nghiệp Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung cần được đổi mới. Nhà nông quy mô lớn hiện đại cần phải trở thành một nhà đầu tư kinh doanh nông nghiệp.
"Nông nghiệp tuần hoàn sẽ là chìa khóa để quản lý hiệu quả các tài nguyên nông nghiệp thông qua tập trung giảm thiểu việc sử dụng các yếu tố đầu vào bên ngoài, khép kín vòng dinh dưỡng, tái tạo đất và giảm thiểu tác động đến môi trường. Nếu được thực hiện trên diện rộng, nông nghiệp tuần hoàn có thể giảm bớt nhu cầu về tài nguyên và tác động sinh thái của ngành nông nghiệp", ông David phát biểu.
Nông nghiệp tuần hoàn, còn được gọi là nông nghiệp khép kín, là một phương thức canh tác không những không làm tổn hại mà còn đem lại lợi ích cho tự nhiên.
"Bộ Nông nghiệp nên tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia vào chuỗi cung ứng nông nghiệp toàn cầu và nâng cao trách nhiệm xã hội và môi trường của các công ty đầu tư trực tiếp nước ngoài và tập trung vào các hoạt động nông nghiệp bền vững".
Chuyển đổi số là bài toán sống còn
Là một doanh nghiệp đi đầu về chuyển đổi số nông nghiệp, theo Chủ tịch Mavin, để đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực; trong đó, nông nghiệp là lĩnh vực ưu tiên.
"Đại dịch COVID-19 vừa là khó khăn, thách thức, vừa là cơ hội để ngành nông nghiệp và người dân thay đổi tư duy quản lý, sản xuất theo công nghệ công nghiệp 4.0. Đây là cơ hội để các nhà đầu tư kinh doanh nông nghiệp nước ngoài đóng vai trò dẫn dắt về công nghệ và phương thức sản xuất nông nghiệp hiệu quả, thông minh, đồng thời nâng cao lợi ích từ kiểm soát chất thải và ô nhiễm cũng như sử dụng và quản lý nguồn nước. Chuyển đổi số trong nông nghiệp sẽ giúp khôi phục khả năng tiếp cận các chuỗi cung ứng và thị trường toàn cầu, nâng cao hiệu quả của các hệ thống nông nghiệp tuần hoàn và tăng cường mức đầu tư".
Được biết Mavin thành lập năm 2004, từ một dự án liên doanh với Australia sản xuất thức ăn chăn nuôi. Mavin đã phát triển thành công chuỗi giá trị "Từ Nông trại tới Bàn ăn", cung ứng thức ăn chăn nuôi, heo giống, thuốc thú y, bao tiêu đầu ra chăn nuôi sử dụng cho nhà máy chế biến thực phẩm theo tiêu chuẩn Châu Âu. Mavin là doanh nghiệp tiên phong ở Việt Nam áp dụng tự động hóa trong sản xuất và chăn nuôi để tăng năng suất, giảm thiểu các tác động môi trường và sức khỏe con người.
Tập đoàn Mavin là công ty tiên phong về ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam
Hưởng ứng chiến lược phát triển nông nghiệp tuần hoàn của Bộ NN, Mavin đã tìm kiếm quỹ đất lớn để đầu tư dự án chăn nuôi tại Nghệ An, Gia Lai, Đồng Tháp, Sơn La, Lai Châu, xây dựng các khu tổ hợp chăn nuôi, siêu trang trại khép kín từ khâu trồng nguyên liệu cho tới giết mổ, chế biến thực phẩm với vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.
"Tại huyện Đắk Hà – tỉnh Kon Tum, chúng tôi đang chuẩn bị xây dựng một tổ hợp chăn nuôi gồm: Trại giống, trại nuôi lợn; nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi; nhà máy chế biến thực phẩm để xuất khẩu với diện tích 500 ha, vốn đầu tư 80 triệu USD. Chúng tôi cũng đang tiếp tục nhân rộng mô hình này tại các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Gia Lai,… Đặc biệt, chăn nuôi heo ứng dụng tư duy bền vững, thân thiện môi trường với việc xây dựng mô hình trang trại thông minh, tiết kiệm diện tích và nguồn lực mà Mavin là công ty tiên phong tại Việt Nam ứng dụng công nghệ này", Chủ tịch Mavin chia sẻ.
Một trang trại ứng dụng công nghệ cao của Tập đoàn Mavin tại tỉnh Bình Định
Ông David trong một chuyến khảo sát xây dựng Tổ hợp chăn nuôi tại tỉnh Lai Châu
Đối với xu hướng chuyển đổi số, Mavin không đứng ngoài cuộc mà đặc biệt còn đang làm rất mạnh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay.
"Chúng tôi đã triển khai chương trình chuyển đổi số với 4 trụ cột: ERP, Điện toán đám mây, Số hóa và Sản xuất thông minh. 100% các ngành sản xuất của Mavin (Farm – Feed – Food – Vet) đều đã được số hóa với việc ứng dụng SAP ERP. Các trang trại chăn nuôi được tự động hóa, áp dụng phần mềm quản lý trại heo tiên tiến giúp các quản lý trại có thể tiếp cận thông tin sản xuất theo thời gian thực. Trong tương lai gần, Mavin đang hướng tới các mô hình Nhà máy thông minh, Trang trại thông minh ứng dụng IoT, AI, máy bay không người lái… vào hoạt động sản xuất".
Mavin là 1 trong 2 công ty duy nhất của Việt Nam được Diễn đàn Kinh doanh IoT Châu Á (AIBP) công nhận là "Doanh nghiệp sáng tạo ASEAN" ghi nhận những Dự án số hóa táo bạo của Công ty trong 3 năm 2019 – 2021. Mới đây, Hiệp hội các Doanh nghiệp có vốn đầu tư Australia cũng đã ghi nhận Mavin là thương hiệu sản xuất tốt nhất trong nước năm 2021.
Tập đoàn Mavin đang là nhân tố quan trọng, góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm cung ứng các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao trong chuỗi giá trị toàn cầu và chung tay phát triển bền vững ngành Nông nghiệp VN.
Ánh Dương
Theo Nhịp sống kinh tế