Ghi nhận đến ngày 14/3, giá dầu thế giới đã giảm hơn 5%, mức thấp nhất trong vòng 2 tuần qua. Trong khi đó, giá bán lẻ tại Singapore cũng đang có xu hướng giảm.
Giá dầu giảm hơn 5% trong phiên đầu tuần, xuống mức thấp nhất trong gần 2 tuần, giữa bối cảnh nhà đầu tư kỳ vọng về tiến triển ngoại giao cho cuộc xung đột Nga – Ukraine, điều được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nguồn cung gia tăng trên toàn cầu, trong khi đại dịch và chính sách cấm đi du lịch ở Trung Quốc gây nghi ngờ về triển vọng nhu cầu xăng dầu.
Giá dầu Brent kết thúc phiên giảm 5,77 USD, tương đương 5,1%, xuống 106,90 USD/thùng, trong khi dầu Tây Texas Mỹ (WTI) giảm 6,32 USD, tương đương 5,8%, xuống 103,01 USD.
Đó là mức đóng cửa thấp nhất đối với WTI kể từ ngày 28 tháng 2 và thấp nhất đối với Brent kể từ ngày 1 tháng 3. Mặc dù vậy, cả 2 loại đều vẫn tăng đáng kể từ khi xảy ra khủng hoảng ở Ukraine vào ngày 24 tháng 2 của Nga, và tăng khoảng 36% từ đầu năm đến nay.
Việc Nga và Ukraine tiến hành vòng đàm phán hòa bình trực tuyến là một trong những yếu tố khiến giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm nhẹ trong phiên 14/3.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol ngày 14/3 đã kêu gọi các nước sản xuất dầu mỏ tăng sản lượng khai thác để bình ổn thị trường đang chịu tác động từ căng thẳng Nga-Ukraine.
Hồi đầu tháng này, các thành viên IEA nhất trí "xả" 62 triệu thùng dầu dự trữ để đối phó với tình trạng gián đoạn nguồn cung. Ông Birol cho biết đây là phản ứng ban đầu và con số này chỉ chiếm 4% kho dự trữ của IEA. Theo ông, IEA có thể "bơm" thêm dầu cho các thị trường nếu cần thiết.
Bên cạnh đó, tính đến ngày 11/3, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore đang có xu hướng giảm. Đây là tín hiệu tích cực nếu giá cơ sở duy trì hoặc tiếp tục giảm giá sẽ kéo giá cơ sở bình quân 10 ngày giảm, giúp giá xăng dầu trong nước có cơ hội hạ nhiệt.
Hiện có nhiều DN đang âm quỹ bình ổn hàng trăm tỉ đồng nên nếu giá cơ sở giảm cũng là thời điểm để Nhà nước có thể trích quỹ để bù lại những đợt xả mạnh quỹ trước đây để kìm giá xăng dầu.
Về điều hành giá xăng dầu, trong cuộc họp chiều 14/3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, nhờ có Quỹ Bình ổn giá xăng dầu chúng ta đã kìm được mức tăng của giá xăng dầu trong nước so với thế giới. Nếu như giá xăng dầu thế giới biến động từ 44-60% (tùy mặt hàng) thì ở Việt Nam chỉ biến động trên 20-39%.
Đặc biệt, trên cơ sở đề xuất của liên Bộ Tài chính - Công Thương, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu từ 1/4/2022.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất thông qua đề xuất giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu, chắc chắn từ nay đến cuối năm giá xăng dầu của chúng ta sẽ thấp hơn các nước xung quanh.
Hôm 11/3, Liên bộ Công Thương - Tài chính đã điều chỉnh giá xăng dầu. Theo đó, giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 2.990 đồng/lít, xăng E5 RON 92 tăng 2.908 đồng/lít.
Đây là lần tăng thứ 7 liên tiếp của giá xăng trong nước từ giữa tháng 12/2021 đến nay. Như vậy, giá xăng RON 95 đã tiến sát ngưỡng 30.000 đồng/lít.
Giá các loại dầu cũng tăng. Dầu hoả là 23.910 đồng/lít, tăng 3.940 đồng. Dầu diesel là 25.260 đồng một lít, tăng 3.950 đồng. Dầu mazut là 20.980 đồng/kg, tăng 2.520 đồng.
So với thời điểm giữa tháng 1/2022, mỗi lít xăng RON 95 đã đắt thêm 5.984 đồng; E5 RON 92 là 5.826 đồng, dầu diesel cao hơn 7.029 đồng; dầu hỏa tăng 6.780 đồng và dầu mazut thêm 4.625 đồng.
Khánh Vy
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị