Theo Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm, mặc dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng Cục đã hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2021. Các chỉ tiêu quan trọng của thị trường bảo hiểm năm 2021 đều duy trì tăng trưởng 2 con số.
Tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2021 ước tăng 15,59%
Thông tin từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, tính tới cuối năm 2021, thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện có 76 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm (trong đó có 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 24 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm) và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.
Tính tới cuối năm 2021, tổng tài sản của thị trường bảo hiểm ước đạt 710.002 tỷ đồng, tăng 23,86% so với cùng kỳ năm 2020. Các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 577.069 tỷ đồng, tăng 22,24% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm năm 2021 ước đạt 455.606 tỷ đồng, tăng 24,89% so với cùng kỳ năm 2020.
Cũng theo số liệu từ cơ quan quản lý, tổng nguồn vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 152.484 tỷ đồng, tăng 19,34% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 214.958 tỷ đồng, tăng 15,59% so với cùng kỳ năm 2020. Chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 49.561 tỷ đồng, tăng 1,68% so với cùng kỳ năm 2020.
Dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, nhưng thị trường bảo hiểm vẫn tăng trưởng 2 con số. |
Trong năm 2021, tổng số phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới bảo hiểm ước đạt 12.715 tỷ đồng, tăng 14,8% so với năm 2020, trong đó: phí bảo hiểm gốc thu xếp qua môi giới ước đạt 7.499 tỷ đồng, tăng 8,76% so với năm 2020; phí tái bảo hiểm thu xếp qua môi giới ước đạt 5.216 tỷ đồng, tăng 24,7% so với năm 2020.
Tổng doanh thu hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp môi giới bảo hiểm năm 2021 ước đạt 990 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó: Hoa hồng môi giới bảo hiểm năm 2021 ước đạt 941 tỷ đồng (tăng 14,83% so với cùng kỳ năm 2020); tổng doanh thu phí dịch vụ ước đạt 32 tỷ đồng; doanh thu tài chính và khác ước đạt 17 tỷ đồng.
Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, mặc dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng Cục đã hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2021, từ công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, đến công tác phát triển thị trường và nâng cao chất lượng dịch vụ bảo hiểm, cũng như nhiều nhiệm vụ khác.
Dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tài chính, Cục đã thường xuyên tổ chức rà soát, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ công tác để kịp thời điều chỉnh quy trình, quy chế trong nội bộ đơn vị thuộc, trực thuộc hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với trường hợp vượt quá thẩm quyền.
Trong bối cảnh Covid-19 phức tạp song công tác quản lý, giám sát được thực hiện thường xuyên, kết hợp chặt chẽ giữa giám sát từ xa, thường xuyên trao đổi, đối thoại với doanh nghiệp dưới nhiều hình thức (họp trực tiếp, hội thảo, trao đổi qua email,…) với bám sát thực tiễn diễn biến thị trường, thanh tra, kiểm tra nhằm đánh giá, phát hiện các vướng mắc để có thể nắm bắt và có hướng điều chỉnh kịp thời những phát sinh trong thực tiễn hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Năm 2022, dự báo thị trường vẫn duy trì tăng trưởng 2 con số
Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, năm 2022, dù diễn biến Covid-19 vẫn còn khá phức tạp, đồng thời sự phục hồi của nền kinh tế còn nhiều thách thức, khó khăn, tuy nhiên thị trường bảo hiểm vẫn dự kiến khá tích cực. Theo đó, hầu hết các chỉ tiêu quan trọng đều dự báo sẽ vẫn duy trì tăng trưởng 2 con số.
Theo đó, tổng tài sản thị trường bảo hiểm năm 2022 ước đạt 808.908 tỷ đồng, tăng 13,93% so với cùng kỳ năm 2021. Đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 677.036 tỷ đồng, tăng 17,32% so với năm 2021. Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 533.758 tỷ đồng, tăng 17,15% so với năm 2021.
Tổng nguồn vốn chủ sở hữu các doanh nghiệp bảo hiểm năm 2022 ước đạt 165.069 tỷ đồng, tăng 8,25% so với năm 2021. Tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2022 ước đạt 253.730 tỷ đồng, tăng 18,04% so với năm 2021. Chi trả quyền lợi bảo hiểm trong 2022 ước đạt 58.291 tỷ đồng, tăng 17,61% so với cùng kỳ năm 2020.
Dự kiến tổng số phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới bảo hiểm ước đạt 14.513 tỷ đồng, tăng 14,15% so với năm 2021. Doanh thu hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp môi giới bảo hiểm năm 2022 ước đạt 1.107 tỷ đồng, tăng 11,8%.
Cũng theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, năm 2022 sẽ tiếp tục phối hợp hoàn thiện dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 5/2022; đồng thời, xây dựng nghị định, thông tư hướng dẫn luật. Cũng trong năm mới sẽ tiếp tục hoàn thiện Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 để trình Bộ, trình Chính phủ ban hành.
Bên cạnh đó, sẽ có tổng kết, đánh giá việc triển khai bảo hiểm vi mô của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để tiếp tục hướng dẫn, giám sát việc dừng triển khai thí điểm bảo hiểm vi mô theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 15/7/2021 và các chỉ đạo khác của Chính phủ.
Dự kiến trong quý I/2022, Cục sẽ trình Bộ, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp cho giai đoạn sau năm 2021. Đồng thời, Cục cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện trình Chính phủ, trình Bộ ban hành các nghị định, thông tư liên quan tới lĩnh vực bảo hiểm.
Ngoài ra, trong năm mới, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục tăng cường thực hiện đánh giá doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm theo định kỳ, kịp thời phát hiện sai phạm để báo cáo Bộ có phương án xử lý; thực hiện dự án “Hệ thống thông tin quản lý và giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm”; đẩy mạnh tuyên truyền để thị trường phát triển hiệu quả, minh bạch, bền vững./.